1. Giới thiệu chung về giải pháp
Trong những năm qua, cùng sự bùng nổ thông tin trong thời đại kỹ thuật số, trên thế giới, các Hệ thống Hội nghị truyền hình đang được ứng dụng rộng rãi, thiết thực cho phát triển kinh tế, văn hoá xã hội. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một nước phát triển nhanh và đã có nhiều Hệ thống Hội nghị truyền hình được triển khai xây dựng.
Một trong những nguyên nhân thúc đẩy Hệ thống Hội nghị truyền hình ngày càng phát triển đó là sự tiến bộ không ngừng của công nghệ mạng truyền dẫn, mạng điện thoại di động, internet,..., kết hợp với sự phát triển của công nghệ xử lý ảnh, nén dãn ảnh kỹ thuật số đã tạo nên cuộc cách mạng trong công nghệ Hội nghị truyền hình.
Từ những Hệ thống Hội nghị truyền hình đơn giản trước kia, đến nay thế giới đã xuất hiện những mạng Hội nghị truyền hình có số lượng lên đến hàng trăm ngàn điểm đầu cuối. Từ những công nghệ PCM, ISDN, ATM,…, đến nay các Hệ thống thiết bị Hội nghị truyền hình đã được thiết kế trên nền tảng mạng IP.
Các ứng dụng Hội nghị truyền hình ngày càng trở nên gần gũi và phổ cập hơn trong mọi mặt đời sống xã hội như: hoạt động thương mại, tài chính, hội nghị hành chính, hợp tác làm việc, giáo dục từ xa, điều trị y tế từ xa, chỉ huy công tác an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai,..., lợi ích do Hội nghị truyền hình mang lại là vô cùng to lớn, nó tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và tiết kiệm hàng loạt kinh phí phát sinh khác so với các Hội nghị được tổ chức tập trung, truyền thống.
2.Các thiết bị chính của một Hệ thống Hội nghị truyền hình
2.1. Thiết bị điều khiển đa điểm (MCU)
Thực hiện chức năng quản lý, điều hành các điểm tham gia Hội nghị truyền hình, hoạt động dựa trên nguyên tắc MCU xử lý tập trung. Hệ thống sử dụng công nghệ xử lý hình ảnh tiên tiến, có khả năng xử lý một số lượng lớn các luồng hình ảnh và âm thanh băng thông cao. MCU có khả năng mở rộng linh hoạt, nhằm đáp ứng được khả năng mở rộng thêm các điểm cầu trong tương lai.
MCU bao gồm hai loại thành phần:
- Bộ điều khiển đa điểm bắt buộc Multipoint Controller (MC): Bộ điều khiển đa điểm MC có chức năng chính là quản lý các tín hiệu điều khiển cuộc gọi, xác định khả năng của các điểm đầu cuối và đàm phán các tham số trao đổi thông tin. Phụ thuộc vào công nghệ hội nghị đa điểm, thì MC có thể quyết định việc kết nối và trao đổi thông tin giữa các VCS trong Hội nghị truyền hình đa điểm. Thực chất việc kết nối đa điểm được thực hiện theo nguyên tắc là các cuộc kết nối điểm - điểm từ các VCS đến MCU.
- Bộ xử lý đa điểm MP: Bộ xử lý đa điểm có thể có tùy chọn một hay nhiều trong một thiết bị MCU. Bộ xử lý đa điểm thực hiện việc trộn, chuyển mạch và xử lý các luồng dữ liệu audio và video giữa các điểm hội nghị.
Hiện nay, trên thị trường tồn tại hai kiểu MCU là MCU cứng và MCU mềm. MCU cứng là giải pháp chuyên nghiệp bao gồm phần cứng (bộ xử lý, giao diện mạng, bộ DSP,...,) và phần mềm đi kèm hỗ trợ nhiều tính năng phong phú thích hợp cho mạng khai thác dịch vụ.
MCU mềm là giải pháp phần mềm cài đặt trên máy chủ (PC hoặc Sun) sử dụng giao diện mạng hỗ trợ các tính năng đa điểm đơn giản thích hợp cho mạng riêng trong phạm vi hẹp.
Một số hãng sản xuất ngày nay đã tích hợp tính năng MCU trong một số dòng sản phẩm VCS. Tính năng này được gọi là “Internal MCU”, cho phép thiết bị làm việc với hai chức năng, đầu cuối VCS và thiết bị đa điểm MCU. Giải pháp này thích hợp với những khách hàng nhỏ giúp đơn giản hóa mạng, tiết kiệm đầu tư, quản lý,..., thông thường “Internal MCU” hỗ trợ cho hội nghị 4 điểm, 6 điểm, đặc biệt hơn có loại hỗ trợ tới 8 điểm.
Thiết bị đầu cuối Hội nghị truyền hình VCS (Video Conferencing System) là một thiết bị có tầm quan trọng nhất. VCS là thiết bị cơ bản cần có cho ứng dụng Video Conferencing có chức năng thu nhận hình ảnh, âm thanh tại một điểm, mã hoá chúng theo một phương thức nhất định rồi gửi tới đầu xa thông qua một môi trường mạng truyền dẫn. Một số VCS hiện nay có thiết kế mở có thể dễ dàng cập nhật nâng cấp phần mềm cũng như việc mở rộng phần cứng để tương thích với nhiều chuẩn kết nối Hội nghị truyền hình khác nhau. Mỗi thiết bị VCS nhất thiết phải gồm các thành phần sau:
· Camera: Có chức năng ghi nhận, xử lý, truyền tải các tín hiệu hình ảnh cho hội nghị.
· Microphone: Là thiết bị để thu tín hiệu âm thanh trong hội nghị.
· Codec: Bộ mã hoá hỉnh ảnh/âm thanh (audio/video codec) biến đổi các tín hiệu hình ảnh, âm thanh thành tín hiệu số và nén lại trước khi chuyển lên mạng.
Để có thể tổ chức một mạng Hội nghị truyền hình không thể thiếu các thành phần thiết bị phụ trợ phục vụ cho việc hiển thị, giám sát, quản lý quá trình diễn ra hội nghị.
Các thiết bị này có thể chia ra làm các thành phần sau:
+ Hệ thống thiết bị hỗ trợ hiển thị: Gồm các monitor hoặc các máy chiếu (projector) hiển thị hình ảnh đầu gần và đầu xa của hội nghị, hình ảnh từ nguồn video khác,...
+ Hệ thống thiết bị âm thanh: Bao gồm các Hệ thống loa, tăng âm khuyếch đại âm thanh đầu gần và đầu xa, Hệ thống micro để thu âm trong hội nghị.
+ Hệ thống thiết bị Video: Bao gồm các camera, các bộ VCR để thu, phát các nguồn video.
+ Hệ thống thiết bị hỗ trợ công tác đặc thù: Tùy theo từng hội nghị trong từng lĩnh vực cụ thể mà sẽ có các thiết bị phụ trợ khác nhau. Ví dụ như trong đào tạo từ xa không thể thiếu PC chia sẻ dữ liệu để truyền bài giảng lên Hệ thống truyền hình hội nghị, thiết bị bảng điện tử White Board dùng cho giảng dạy.